Tháng mười hai 15, 2023
TikTok đầu tư 1,5 tỷ USD vào GoTo, nỗ lực khôi phục hoạt động TMĐT tại Indonesia

Hãng tin Reuters cho hay TikTok đã quyết định đầu tư lớn cho mảng thương mại điện tử (TMĐT) Tokopedia thuộc Goto, vốn là công ty mẹ của Gojek, trước áp lực lớn từ chính phủ Indonesia.

Cụ thể, TikTok sẽ mua lại 75,01% cổ phần của Tokopedia, nền tảng TMĐT lớn nhất Indonesia với giá 840 triệu USD. Đổi lại, Tokopedia sẽ mua lại TikTok Shop ở Indonesia với giá 340 triệu USD.

Nước đi của TikTok được cho là chịu sức ép từ chính phủ Indonesia sau quy định cấm kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội vào tháng 10/2023 nhằm bảo vệ những hiệu buôn nhỏ lẻ cũng như dữ liệu người dùng, qua đó khiến TikTok Shop bị đóng cửa.

Giá cổ phiếu của Goto đã giảm 13% ngay sau thông tin trên.

TikTok sẽ mua lại 75,01% cổ phần của Tokopedia
TikTok sẽ mua lại 75,01% cổ phần của Tokopedia

Lý do TikTok đầu tư vào GoTo

Theo CNBC, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia khá dễ tổn thương bởi TMĐT khi 99% hoạt động kinh doanh của họ là thuộc về các doanh nghiệp vừa và nhỏ, qua đó tạo ra 97% việc làm cũng như đóng góp 60% GDP cho Indonesia.

Báo cáo của BMI cho thấy TMĐT chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng giao dịch trực tuyến tại Indonesia. Tính đến tháng 7/2023, tổng giá trị giao dịch trực tuyến tại nước này đã đạt kỷ lục 160 nghìn tỷ Rupiah, tương đương 10,3 tỷ USD.

Trong khi đó, Momentum Works nhận định TikTok sẽ là đối tượng chịu thiệt hại duy nhất trước quy định mới khi là mạng xã hội kinh doanh TMĐT nhiều nhất. Trong tổng giá trị giao dịch trực tuyến đạt 52 tỷ USD năm 2022, phía TikTok chiếm 5% con số này.

Chính vì lý do này mà TikTok đã phải cố gắng tìm đường sống nhằm khôi phục hoạt động tại một trong những thị trường TMĐT tiềm năng nhất của mình.

Lý do TikTok đầu tư vào GoTo
Lý do TikTok đầu tư vào GoTo

Indonesia là một trong số hiếm hoi các thị trường có TikTok Shop. Ngay cả Mỹ cũng mới chỉ được TikTok khai trương dịch vụ này vào đầu tháng 9/2023.

Hiện Indonesia đang là thị trường lớn thứ 2 của TikTok với 113 triệu người dùng, chỉ đứng sau Mỹ với 116,5 triệu người dùng. Tuy nhiên nếu tính riêng TikTok Shop thì số lượng khách hàng Indonesia lại đứng đầu khi quốc gia này là thị trường đông dân thứ 4 toàn cầu.

Tờ Financial Times (FT) nhận định nước đi mua lại, sáp nhập hay hợp tác với các công ty địa phương của TikTok có thể giúp thương hiệu này lách luật được ở nhiều thị trường Đông Nam Á hay Châu Âu. Hãng tin Bloomberg thì cho hay những người buôn bán trên TikTok Shop sẽ được trở lại giao dịch vào ngày 12/12/2023 thay vì buộc phải từ bỏ tài khoản như đã được thông báo trước đó sau quy định mới của chính phủ.

Cạnh tranh khốc liệt

Cũng tương tự như các nước láng giềng ở Đông Nam Á khác, TMĐT ở Indonesia tăng trưởng rất nhanh trong 10 năm qua, nhất là khi có những ông lớn từ Trung Quốc tiếp cận thị trường. Sự bùng nổ này giúp ngành tiêu dùng bùng nổ, kích thích kinh tế cũng như hạ thấp giá thành cho người dân.

Thế nhưng, theo hãng logistic Locad, mặt trái của sự bùng nổ này cũng như hàng giá rẻ Trung Quốc là các ông lớn nước ngoài có đủ tài chính, nguồn lực để loại bỏ hơn 50% doanh nghiệp nội địa Indonesia trong dài hạn.

Xin được nhắc là số liệu của Momentum Works cho thấy Indonesia hiện đang là thị trường TMĐT lớn nhất Đông Nam Á tính theo tổng giá trị doanh số.

Trong bối cảnh lượng gửi bưu kiện tăng hơn 800% và thị trường tràn ngập hàng giá rẻ Trung Quốc, Indonesia vào tháng 1/2020 đã hạ mức giá trị sản phẩm chịu thuế nhập khẩu từ 75 USD xuống còn 3 USD.

Thị trường Indonesia hiện đang bị thống trị bởi các công ty công nghệ trong nước như Tokopedia của GoTo, Shopee của Sea và gã khổng lồ thương mại điện tử Lazada được hậu thuẫn bởi Alibaba. Tuy nhiên TikTok Shop lại đang trỗi dậy mạnh mẽ khi thu hút được lượng lớn người dùng trẻ đam mê các video ngắn cũng như những buổi livestream bán hàng.

Ngay khi đổ bộ vào Indonesia năm 2021, nền tảng này đã tạo nên được tiếng vang lớn và dần đe dọa đến vị thế của các ông lớn trong ngành TMĐT.

Trớ trêu thay, Indonesia lại là nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á chống lại TikTok Shop, buộc hãng này phải chuyển hướng hợp tác cùng Goto.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á. Nếu quý khách cần tư vấn thêm về các giải pháp quản lý đơn hàng TMĐT, đừng ngần ngại, liên hệ ngay với các chuyên gia của chúng tôi

Chia sẻ
Bạn có thể thích